TP.HCM dọn quỹ đất để đón nhà đầu tư vào khu công nghiệp
Gỡ hàng năm trời vẫn chưa xong
Dù đã 10 năm trôi qua, nhưng Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II, diện tích 596,9 ha, vẫn chưa xác định được đơn giá cho thuê đất. Sự chậm trễ này dẫn đến hệ quả là Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước phải ngưng triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng và cho thuê hạ tầng từ năm 2018 đến nay, do không thể tính toán được giá cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất.
Mặt khác, do chưa được ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước (đối với phần đất đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng), nên nhà đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vẫn đang mở thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá đất.
Câu chuyện của Khu công nghiệp Cơ khí ô tô tại huyện Củ Chi là trường hợp điển hình trong lãng phí đất khu công nghiệp. Khu công nghiệp này có 62,3 ha giai đoạn II đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng (đạt 97%), còn 1,95 ha chưa hoàn thành bồi thường, nên chưa được Thành phố cho thuê đất. Do chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng 1,95 ha, nên chủ đầu tư hạ tầng không thể thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai cho cả phần diện tích đã hoàn tất giải tỏa và chưa thể tiếp nhận các dự án.
Một loạt khu công nghiệp khác như Lê Minh Xuân 3, Tân Phú Trung, Vĩnh Lộc... có chung vướng mắc là chưa giải phóng được mặt bằng. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu quỹ đất công nghiệp trầm trọng để thu hút đầu tư vào TP.HCM. “Năm 2024, TP.HCM chỉ có 74 ha đất ‘sạch’ để thu hút đầu tư nhưng nằm rải rác ở nhiều quận, huyện, nên chưa có diện tích lớn để thu hút đầu tư”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Phòng Quản lý đầu tư, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) nêu vướng mắc.
Đưa vào sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng để tránh lãng phí
Mới đây, Công ty cổ phần Smart Tech Group Vietnam (được chi phối điều hành bởi Công ty Smart Tech Group - Hoa Kỳ) có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất pin lưu trữ điện. Nhà đầu tư này mong muốn tìm được khu đất rộng từ 10 đến 50 ha để đặt nhà máy với công suất thiết kế tối thiểu 2G Wh và tối đa 5G Wh. Tổng vốn đầu tư dự kiến từ 340 đến 850 triệu USD. Thời gian triển khai dự kiến vào năm 2025 hoặc ngay khi được giao đất.
Sau khi khảo sát các khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Smart Tech Group chỉ tìm được một địa điểm là Khu công nghiệp Hiệp Phước có đủ diện tích 15 ha để xây dựng nhà máy. Ban đầu, doanh nghiệp này muốn chọn Khu công nghệ cao TP.HCM, song nơi đây không đáp ứng đủ về diện tích xây dựng nhà máy, nên doanh nghiệp không còn sự lựa chọn.
Theo báo cáo của Hepza, hiện có một số khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng có diện tích lớn như Lê Minh Xuân 3 đã có 14,4 ha; Cơ khí ô tô đã có 60 ha mặt bằng và chỉ còn một phần nhỏ vướng mắc chưa giải quyết xong.
Để giải quyết nhu cầu cấp bách trong thu hút đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, Hepza kiến nghị UBND TP.HCM cho các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp được thuê đất đối với phần diện tích đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao mặt bằng, để khu công nghiệp sớm triển khai hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư.
Nếu như TP.HCM giải quyết được các vướng mắc của các khu công nghiệp hiện hữu, thì Thành phố sẽ có thêm khoảng 1.129 ha đất phục vụ thu hút đầu tư từ quỹ đất sẵn có.
Ngoài ra, Thành phố đã đưa vào Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quỹ đất công nghiệp bổ sung là 2.465 ha. Sau khi các quy hoạch của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố sẽ có thêm 2.465 ha để thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao.
Nguồn: Báo Đầu tư