Câu chuyện dự án LNG ở Alaska trong thương chiến của ông Trump
Từ lâu, Alaska đã tìm cách xây dựng một đường ống dài 800 dặm đi qua bang này từ Sườn Bắc ở Vòng Bắc Cực đến Vịnh Cook ở phía Nam, nơi khí đốt sẽ được làm hóa lỏng để xuất khẩu sang châu Á. Với chi phí “khủng” lên tới 40 tỷ USD, dự án này đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
Theo hãng tin CNBC, dự án mang tên Alaska LNG này đang có những dấu hiệu hồi sinh khi ông Trump coi đây là dự án ưu tiên quốc gia. Đầu tháng 4/2025, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Alaska có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
MỐI QUAN TÂM TỪ CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI
“Chúng tôi đang cân nhắc một dự án LNG lớn ở Alaska mà Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm đến việc cấp vốn đầu tư và mua một phần đáng kể lượng khí đốt”, ông Bessent chia sẻ với báo giới vào ngày 9/4, đồng thời cho biết một thỏa thuận như vậy sẽ giúp đạt được mục tiêu của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Công ty dầu khí quốc doanh CPC Corp. của Đài Loan đã ký một thư ý định về mua 6 triệu tấn khí đốt từ Alaska LNG vào tháng 3/2025, theo ông Brendan Duval, CEO kiêm nhà sáng lập của Glenfarne Group, đơn vị phát triển chính của dự án Alaska LNG. Ông Duval cho biết thêm, CPC cũng đã đề nghị đầu tư trực tiếp vào Alaska LNG và cung cấp thiết bị cho dự án này.
Ông Duval và Thống đốc Alaska Mike Dunleavy đã đến Hàn Quốc và Nhật Bản trong một chuyến công du vào tháng 3/2025, gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính phủ và ngành công nghiệp năng lượng của hai nước này. Ông Duval cho biết các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã hỏi liệu các ngân hàng phát triển của mỗi nước có thể tham gia cấp vốn cho Alaska LNG hay không.
“Gần đây, sự quan tâm của phía Ấn Độ với dự án cũng tăng lên”, ông Duvan nói, đồng thời ông cho biết Thái Lan và các nước châu Á khác cũng đã thể hiện sự quan tâm đến dự án.
Dự án Alaska LNG có ba hạng mục chính gồm đường ống, một nhà máy xử lý khí ở Sườn Bắc và một nhà máy hóa lỏng khí để xuất khẩu tại Nikiski, Alaska. Các cơ sở này ước tính có chi phí lần lượt là khoảng 12 tỷ USD, 10 tỷ USD và 20 tỷ USD, Thống đốc Dunleavy cho biết tại hội nghị năng lượng ở Houston vào tháng 3/2025.
Theo ông CEO Dunval, giấy phép cho Alaska LNG đã có hiệu lực và Glenfarne dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong vòng 6 - 12 tháng tới cho giai đoạn đầu tiên của dự án. Việc xây dựng nhà máy LNG dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2026. Mục tiêu là hoàn thành việc xây dựng toàn bộ dự án Alaska LNG trong 4 năm rưỡi với hoạt động thương mại đầy đủ bắt đầu từ năm 2031.
Theo dữ liệu từ Kpler, một công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản, Alaska LNG có kế hoạch sản xuất 20 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương khoảng 23% trong tổng số 87 triệu tấn LNG mà Mỹ xuất khẩu năm 2024.
Alaska đóng vai trò trung tâm trong mục tiêu thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu khí Mỹ của ông Trump - một phần trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng về “sự thống trị năng lượng” của Mỹ. Vị Tổng thống đã ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức nhằm khai thác “tiềm năng tài nguyên phi thường” của Alaska, ưu tiên phát triển LNG tại tiểu bang này.
Từng là nước nhập khẩu ròng LNG, Mỹ đã nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện ở châu Á và châu Âu của các đồng minh có nguồn năng lượng trong nước hạn chế. Ví dụ điển hình là Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi nước chiếm khoảng 8% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ năm 2024, theo dữ liệu của Kpler.
Chính quyền ông Trump coi Alaska LNG là “một dự án chiến lược quan trọng”, Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Doug Burgum cho biết tại hội nghị năng lượng ở Houston. LNG xuất khẩu từ Alaska sẽ đến Nhật Bản trong thời gian khoảng 8 ngày thay vì phải đi qua kênh đào Panama đông đúc trên các chuyến tàu chở LNG xuất phát từ các cảng ở vùng Bờ Vịnh, ông Dunleavy cho biết tại hội nghị nêu trên.
“Họ có thể có cơ hội nhận được LNG một cách hiệu quả nhất từ một đối tác đồng minh”, đồng thời tránh được các điểm tắc nghẽn. “Đây là dự án LNG duy nhất mà Mỹ có thể cung cấp theo tuyến đường trực tiếp và họ nhận thức rất rõ điều đó trong môi trường hiện nay”, ông Duval cho biết.
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba vào tháng 2/2025, ông Trump nói rằng hai nước đang thảo luận về đường ống dẫn khí đốt từ Alaska tới Nhật Bản và khả năng thành lập một liên doanh khai thác dầu khí tại Alaska. Ông Trump cũng cho biết ông đã thảo luận về việc Nhật “mua LNG Mỹ trên quy mô lớn” trong cuộc điện đàm ngày 8/4/2025 với quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-Soo và sự tham gia của Hàn Quốc vào “một liên doanh trong đường ống Alaska”.
DỰ ÁN CÓ HẤP DẪN VÀ KHẢ THI?
Dự án Alaska LNG có thể sẽ có cấu trúc liên doanh lỏng lẻo, trong đó các đối tác châu Á ký hợp đồng mua khối lượng lớn LNG và không nhất thiết Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc sẽ nắm giữ cổ phần trực tiếp tại Alaska LNG, mặc dù Glenfarne cũng cởi mở với khả năng này, ông Duval cho biết.
Theo ông Duval, mục tiêu của Glenfarne là trở thành chủ sở hữu và nhà điều hành lâu dài của Alaska LNG với các đối tác. Glenfarne là một công ty tư nhân trong lĩnh vực phát triển, sở hữu và điều hành cơ sở hạ tầng năng lượng, có trụ sở tại thành phố New York và Houston. Công ty này đã tiếp quản cổ phần 75% trong Alaska LNG từ công ty Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) vào tháng 3/2025 và AGDC giữ lại cổ phần 25%.
Chính quyền ông Trump đang gây sức ép để Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đầu tư vào Alaska LNG, ông Bob McNally, Chủ tịch công Rapidan Energy, nhận định. Mặc dù Nhật Bản muốn xoa dịu ông Trump và đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG của mình, nhưng nước này vẫn có thể do dự đầu tư vào Alaska LNG do chi phí cao, tính chất phức tạp và rủi ro của dự án, ông McNally chia sẻ với CNBC.
Một rào cản khác đối với dự án trên là đảng Dân chủ có thể trở lại nắm quyền vào năm 2028 và sẽ tìm cách ngăn chặn dự án tiến triển với lý do tác động đến môi trường, theo vị chuyên gia. Người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Joe Biden, đã tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG mới sang các quốc gia không có Hiệp định thương mại tự do với Mỹ, bao gồm Nhật Bản. Nhưng ông Trump đã đảo ngược lệnh đình chỉ đó của ông Biden ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức vào tháng 1/2025.
Ngoài rủi ro chính trị, Alaska LNG “không có logic thương mại rõ ràng” - theo ông Alex Munton, giám đốc nghiên cứu khí đốt và LNG toàn cầu tại công ty Rapidan. “Nếu có, dự án đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn so với hiện tại. Trên thực tế, dự án này đã nằm trên giấy trong nhiều thập kỷ”, ông nói, đồng thời ông cho biết vùng Bờ Vịnh có nhiều lựa chọn mua LNG hấp dẫn hơn dành cho khách mua đến từ châu Á.
Cũng theo ông Munton, dự án trên tốn kém ngay cả theo tiêu chuẩn trong lĩnh vực LNG - ngành công nghiệp đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng thuộc hàng đắt đỏ nhất trong lĩnh vực năng lượng. Ông cho biết mức giá hơn 40 tỷ USD của dự án có thể cần được điều chỉnh tăng lên và dự án có thể sẽ cần đến “chính sách công hoặc cam kết tài trợ của khu vực công để trở thành hiện thực”.
Trong khi đó, ông Duval khẳng định Alaska LNG sẽ có khả năng cạnh tranh mà không cần trợ cấp của chính phủ. Ông nói “đây là nguồn LNG cạnh tranh tự nhiên, không phụ thuộc vào lợi ích địa chính trị, không phụ thuộc vào các cuộc thảo luận về thuế quan”.
Thống đốc Dunleavy nói về dự án: “Chúng tôi có sự ủng hộ của Tổng thống. Chúng tôi có các đồng minh châu Á cần khí đốt. Các liên minh địa chính trị đang thay đổi. Các câu hỏi về thuế quan đang xuất hiện. Khi chúng tôi thực sự xem xét dự án trong bối cảnh đó, thì đây là một dự án rất khả thi”.
Nguồn: TBKTVN